1. Công tác tư tưởng trong sinh viên ở Trường Đại học Hải Dương
Với truyền thống hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Hải Dương luôn coi trọng và làm tốt công tác tư tưởng trong sinh viên. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định: “Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, học sinh – sinh viên làm chuyển biến nhận thức, quyết tâm trong hành động, tạo động lực cho quá trình xây dựng và phát triển Nhà trường”.
Trên cơ sở xác định vai trò của công tác tư tưởng (CTTT), Đảng bộ đã lãnh đạo cả hệ thống chính trị Nhà trường quan tâm tới CTTT trong sinh viên, đặt CTTT ở vị trí trung tâm trong các hoạt động của mình. Đảng uỷ – Ban Giám hiệu và các cấp uỷ quan tâm chỉ đạo các đoàn thể quần chúng xây dựng các giải pháp và tổ chức các hoạt động cụ thể trong công tác tư tưởng. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác tư tưởng trong những năm qua đã tạo nên sự thành công trên nhiều lĩnh vực ở Trường Đại học Hải Dương.
Công tác tư tưởng trong sinh viên, trực tiếp là công tác giáo dục chính trị – tư tưởng đã lấy giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh làm nội dung nòng cốt trong hoạt động của mình. Công tác tư tưởng cùng với công tác giảng dạy lý luận đã xác lập thế giới quan và hệ tư tưởng của GCCN cho sinh viên trang bị và hướng dẫn sinh viên nhận thức và hành động đúng về vai trò và trách nhiệm của mình trước bản thân, gia đinh, nhà trường và xã hội.
CTTT trong sinh viên được tiến hành sâu rộng với nhiều hình thức và nội dung phong phú: Từ các hoạt động định hướng nghề nghiệp, các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ, về truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam, các diễn đàn nghề nghiệp, lối sống, cách ứng xử… đến các phong trào văn nghệ, thể thao đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược phát triển Trường. Các hoạt động trên đã tạo ra sự đồng thuận của sinh viên và cán bộ, giảng viên trong toàn Trường, là yếu tố tạo nên những phát triển vượt bậc của Đại học hải Dương trong những năm qua.
Tuy nhiên, CTTT trong sinh viên cũng còn thể hiện nhiều yếu kém, hạn chế: Nội dung và hình thức tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn nghèo nàn, khô cứng. Nhà trường đang xây dựng nên điều kiện học tập, sinh hoạt văn hóa, thể thao của sinh viên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. CTTT chưa phát huy được vai trò của dư luận xã hội kịp thời và đủ mạnh để hạn chế và đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong học tập, lối sống của sinh viên. Việc nắm bắt dư luận xã hội trong sinh viên như một công cụ để điều chỉnh và định hướng hoạt động còn yếu kém, thụ động. Đoàn thanh niên, Hội sinh viên còn lúng túng trong việc tìm ra phương thức tập hợp sinh viên trong bối cảnh đào tạo tín chỉ, dẫn tới vai trò của một số tổ chức cấp cơ sở còn yếu. Trong giảng dạy, giáo viên nhiều khi còn chú trọng tới kiến thức chuyên môn nhiều hơn vấn đề chính trị – tư tưởng. Thực trạng trên đòi hỏi Nhà trường cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới CTTT trong sinh viên trong giai đoạn tiếp theo.
2. Một số giải pháp về công tác tư tưởng trong sinh viên ở Trường Đại học Hải Dương
Căn cứ vào những nguyên tắc cơ bản của CTTT, yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn, CTTT trong sinh viên Nhà trường thời gian tới phải tiếp tục đổi mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn đọng yếu kém. Cần thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:
- – Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy, hoạt động của CTTT trong Nhà trường. Trong đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu là người lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp đối với hoạt động của các đơn vị: Phòng Công tác chính trị và Tổ chức cán bộ, Phòng CTCT và Quản lý học sinh, sinh viên, các khoa và bộ môn trực thuộc, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên.
- – Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong Nhà trường. Thường xuyên tổ chức đối thoại với sinh viên, qua đó nắm bắt tình hình tư tưởng, sở thích, nguyện vọng, khó khăn; những góp ý, đề xuất, kiến nghị của sinh viên.
- – Chủ động phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền, đoàn thể địa phương và gia đình trong công tác quản lý sinh viên, nhất là quản lý sinh viên sống ngoại trú trên địa bàn dân cư.
- – Nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực chuyên môn cho đội ngũ những người làm CTTT trong Nhà trường mà trực tiếp là các đảng viên, giảng viên, cán bộ Đoàn, Hội sinh viên. Xây dựng đội ngũ giảng viên thực sự là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách cho sinh viên noi theo.
- – Chăm lo phát triển các điều kiện cơ sở vật chất, tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách đối với sinh viên như điều kiện ăn ở và học tập, tạo điều kiện tốt nhất cho thanh niên phấn đấu, trưởng thành.
- – Tăng cường đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, học tập các môn khoa học, nhất là các môn khoa học Mác – Lênin theo hướng liên môn, liên ngành, bám sát thực tiễn và nghề nghiệp của sinh viên sau khi ra trường. Tăng cường hoạt động thông tin và giáo dục các nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- – Giáo dục truyền thống vẻ vang cũng như thành tích đạt được hơn 50 năm qua của Đảng ủy, của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của tập thể cán bộ giáo viên Trường Đại học Hải Dương.
- Đó là những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả CTTT trong sinh viên. Các giải pháp trên nếu được tiến hành một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm sẽ đem lại những hiệu quả nhất định, góp phần đưa CTTT trong sinh viên ngang tầm với nhiệm vụ của Nhà trường trong giai đoạn hiện nay.